Quy trình & sâu bệnh

Súp lơ xanh

Đặc điểm :
- Trong rau súp lơ xanh hàm lượng glucosinolate rất cao, chất này có tác dụng làm ức chế ngăn chặn hoạt động của tế bào gây ung thư, với đặc tính cao có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây hại dạ dày cũng như ngăn chặn bệnh ung thư dạ dày


Ưu điểm:

- Làm đẹp da cực kì tốt, ngăn chặn lão hóa trẻ hóa làn da nhờ các vitamin E, C, nhóm B.
- Chất xơ có trong rau sẽ góp phần làm cho hệ tiêu hóa dễ dàng.
- Các chất dinh dưỡng trong rau còn làm tăng sức đề kháng của cơ thể chóng lại một số bệnh thường gặp như sốt cảm.
- Giải nhiệt hiệu quả, đặc biệt là trong mùa hè làm hạn chế đi những cơn say nắng Kích thích ngon miệng.
- Giảm suy nhược, mệt mỏi.



Quy trình canh tác

Thời vụ

- Vụ sớm gieo từ tháng 7 -8, trồng tháng 8 - 9.
- Chính vụ gieo từ tháng 9-10, trồng tháng 10 -11.
- Vụ muộn gieo từ tháng 12, trồng tháng 1 -2 năm sau.

Giống

- Nguồn giống: Sử dụng các giống chất lượng cao được cung ứng từ các Công ty có uy tín và một số giống địa phương trong nước
- Lượng giống: Hạt giống cần từ 550 - 700g/ha, cây con cần từ 45.000 -  50.000 cây/ha (1.600 -1.800 cây/sào).

Làm đất

- Làm đất kỹ, tơi nhỏ; lên luống cao 25 - 30 cm, mặt luống rộng từ 0,9 - 1,0 m (vụ sớm mặt luống làm kiểu mui rùa để tránh ngập úng khi gặp mưa, chính vụ làm mặt luống bằng phẳng dễ thoát nước).

Trồng cây

- Dọn sạch cỏ và tàn dư thực vật trước khi gieo trồng.
- Trồng cây 2 hàng/luống với khoảng cách 40 x 50 cm. Nên trồng cây vào các buổi chiều, tưới nước đủ ẩm hàng ngày.

Tưới nước

- Sau khi trồng, mỗi ngày tưới đủ ẩm 1 lần. Khi cây hồi xanh,  2 -3 ngày tưới một lần; có thể tưới rãnh cho cây, khi đủ ẩm phải tháo hết nước ngay.
- Nếu có điều kiện nên tưới phun mưa vào các buổi chiều tối sẽ có tác dụng rửa trôi bớt trứng, sâu non sâu tơ và hạn chế bướm sâu tơ đến đẻ trứng.
- Che đậy hoa: Che hoa là một biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm bảo vệ hoa, hạn chế bệnh. Sau trồng 40 - 50 ngày (giai đoạn nụ hoa có đường kính 4 - 5cm ) có thể bẻ lá để che hoa.

Phân bón

- Chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng phân tươi, nước phân tươi, nước giải tươi để bón và tưới cho rau. Bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học.
- Bón lót: Phân chuồng hoai mục, phân NPK tổng hợp 16-16-8 với lượng 20 – 25 kg/sào. Rạch hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất lại rồi mới cấy cây.
- Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 10 – 15 ngày, bón 1 sào 3,5kg urê; 3kg kalisunfat, hòa phân tan trong nước rồi tưới vào gốc cây kết hợp vun xới, làm cỏ vét rảnh. Bón phân thời kỳ này nhằm giúp cây hồi xanh.
- Bón thúc lần 2: Sau trồng được 25 – 30 ngày, bón 1 sào 7,5kg urê, rạch hàng bón phân cách gốc 20cm để tránh làm hư bộ rễ của cây, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây phát triển tốt.
- Bón thúc lần 3: Sau khi trồng 45 – 50 ngày, khi cây đã chéo nõn, bón 4kg urê + 3kg kalisunfat/sào, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới. Thời kỳ này cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây ra ngù nhanh và chắc.

Che đậy hoa

- Khi thấy có ngù hoa ở trong lá nõn thì phải che đậy ngay, có thể lấy lá gốc để che đậy hoặc bẻ gập 1 – 2 lá trong để đậy lại, việc che đậy này thực hiện cho đến khi thu hoạch, phải thay lá che đậy khi đã héo, mục đích là tránh nước ngấm vào ngù hoa làm thối hoa.

Thu hoạch

- Cần thu hoạch đúng lúc mới đảm bảo được năng suất và phẩm chất của hoa lơ. Khi thấy hoa lơ bắt đầu gồ ghề thì tiến hành thu hoạch. Dùng dao sắc, chặt lá ở sát gốc, tỉa bỏ lá chân, xếp đứng cuống hoa vào nhau để vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Chưa có thông tin sâu bệnh .