Tiêu chuẩn GlobalGAP
1. Tiêu chuẩn GloablGAP là gì?
- GlobalGAP (tên gọi mới của EuroGap sau 7 năm áp dụng và được chính thức thông báo tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 8 tại Băng-cốc tháng 9/2007) là một bộ tiêu chuẩn được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản) trên toàn cầu.
- Bộ tiêu chuẩn GlobalGAP được xây dựng bởi một hiệp hội bình đẳng của các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ, các tổ chức dịch vụ, các nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp,
các tổ chức chứng nhận, các công ty tư vấn, các nhà sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, các trường đại học…
và các hiệp hội của họ. Các thành viên này tham gia GlobalGAP với các tư cách khác nhau, với mục tiêu cụ thể khác nhau nhưng đều vì mục đích chung của GlobalGAP.
2. Lợi ích chủ yếu của tiêu chuẩn Global Gap
- Chứng minh với khách hàng (nhà bán lẻ, các thương nhân, nhà nhập khẩu) về việc các sản phẩm của doanh nghiệp được sản xuất tuân theo phương pháp thực hành nông nghiệp tốt.
- Tạo sự tin cậy đối với người tiêu dùng.
- Đảm bảo khả năng thâm nhập thị trường
- Đáp ứng yêu cầu của khách hàng ở những thị trường khó tính như Châu Âu.
- Gia tăng hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh.
- Áp dụng các quy trình để cải tiến liên tục.
- Giảm các cuộc kiểm tra của bên thứ 2 đối với nông trại vì phần đông các nhà bán lẻ lớn chấp nhận chứng nhận này.
- Thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng - đấu thầu.
3. Yêu cầu của tiêu chuẩn GlobalGAP
- Để có thể áp dụng được cho các trang trại với các sản phẩm khác nhau (cây trồng, vật nuôi và thủy sản) với đặc thù sản xuất khác nhau, bộ tiêu chuẩn được thiết kế thành 3 loại tài liệu bao gồm:
+ Quy định chung / General Regulation (GR) – tài liệu cung cấp các thông tin tổng thể, về tổ chức chứng nhận, các phương thức chứng nhận và yêu cầu đào tạo đối với chuyên gia đánh giá.
+ Các điểm kiểm soát và tiêu chí sự phù hợp / Control Points and Compliance Criteria (CPCC) – tài liệu đưa ra các điểm cần kiểm soát và tiêu chí phù hợp cho từng điểm. Các điểm kiểm soát và tiêu chí sự phù hợp được cụ thể hóa theo các môdun sản phẩm khác nhau và được phân tầng theo mô hình dưới đây:
CPCC cho mọi trang trại / All Farms(AF) | CPCC cho trang trại Trồng trọt / Crop Base (CB) | CPCC đối với Rau và Quả |
CPCC đối với Hoa và Cây cảnh | ||
CPCC đối với Cà phê | ||
CPCC đối với Chè | ||
CPCC đối với trang trại tổng hợp | ||
CPCC đối với Cây khác | ||
CPCC cho trang trại Chăn nuôi / Livestock Base (LB) | CPCC đối với Gia súc và Cừu | |
CPCC đối với Động vật cho sữa | ||
CPCC đối với Lợn | ||
CPCC đối với Gia cầm | ||
CPCC đối với Vật nuôi khác | ||
CPCC cho trang trại Thuỷ sản / Aquaculture Base (AB) | CPCC đối với Cá hồi | |
CPCC đối với Cá tra | ||
CPCC đối với Tôm | ||
CPCC đối với Thuỷ sản khác |
+ Bảng kiểm tra / Checklist (CL) – tài liệu dùng để các chuyên gia sử dụng trong quá trình đánh giá, cả đánh giá nội bộ lẫn đánh giá của tổ chức chứng nhận.
- Vì thế khi áp dụng, một nhà sản xuất một nhóm sản phẩm phải:
+ Đáp ứng các yêu cầu trong Quy định chung đối với nhà sản xuất.
+ Phù hợp với yêu cầu kiểm soát có trong 3 văn bản có liên quan (ví dụ trang trại sản xuất rau phải áp dụng quy định kiểm soát cho mọi trang trại, cho ngành trồng trọt, và cho rau quả).
+ Đánh giá nội bộ cho theo bảng kiểm tra dành cho trang trại rau quả và thêm bảng kiểm tra dành cho hệ thống quản lý chất lượng (nếu định chứng nhận theo nhóm).
3. Phương thức chứng nhận GlobalGAP
- Một nhà sản xuất riêng lẻ đăng ký chứng nhận theo tiêu chuẩn GLOBALGAP để nhận được giấy chứng nhận cho riêng mình.
- Một nhóm nhà sản xuất có cùng một tư cách pháp nhân có thể đăng ký chứng nhận theo nhóm theo tiêu chuẩn GLOBALGAP để được nhận giấy chứng nhận chung khi đủ điều kiện.
- Một nhà sản xuất riêng lẻ đăng ký chứng nhận GLOBALGAP thông qua đánh giá đối chuẩn (Benchmarking) với một tiêu chuẩn GAP khác để nhận được giấy chứng nhận cho riêng mình.
- Một nhóm nhà sản xuất có cùng một tư cách pháp nhân có thể đăng ký chứng nhận GLOBALGAP thông qua đánh giá đối chuẩn (Benchmarking) với một tiêu chuẩn GAP khác để được nhận giấy chứng nhận chung khi đủ điều kiện.
4. Quá trình xây dựng và áp dụng GlobalGAP vào trang trại
- Nhà sản xuất nông nghiệp phải xây dựng, duy trì và bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình thông qua 4 nhóm hoạt động sau:
+ Xây dựng, áp dụng và chứng nhận quy trình nuôi trồng an toàn trong trang trại theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP.
+ Xây dựng cơ chế, cách nhận biết và truy xét nguồn gốc sản phẩm (ghi chép và lưu hồ sơ về nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất trong trang trại và khách hàng mua sản phẩm đầu ra); hoạt động này nên được tiến hành lồng ghép với việc kiểm soát hoạt động sản xuất theo tiêu chuẩn.
+ Thực hiện thủ tục đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu thương mại trong nước và quốc tế (nếu cần) và các biện pháp thực tiễn để chống hàng giả, hàng nhái.
+ Thực hiện các giải pháp tiếp thị hữu hiệu để kết nối với thị trường (hệ thống phân phối, thông tin trên nhãn/ bao bì, quảng cáo, triển lãm, hội thảo, hoạt động xã hội / công ích…)
- Để có được thị trường và giá bán tốt hơn, các nhà sản xuất cần (tự mình hoặc có sự hỗ trợ của tư vấn) thực hiện các hoạt động chính sau đây:
+ Đào tạo nhận thức chung về vai trò và tác dụng của việc xây dựng và áp dụng Global GAP cho tất cả người làm.
+ Nghiên cứu tiêu chuẩn, quy phạm pháp luật của nơi sản xuất và thị trường xuất khẩu để xây dựng cách thức nuôi/ trồng đáp ứng yêu cầu.
+ Thực hiện việc nuôi/ trồng theo quy trình đã xây dựng, ghi chép và lưu hồ sơ cần thiết theo yêu cầu đã xây dựng.
+ Đào tạo đánh giá viên nội bộ và tiến hành đánh giá nội bộ trước khi đăng ký chứng nhận.
+ Tham gia và thực hiện quá trình chứng nhận với tổ chức chứng nhận đã được công nhận và phê duyệt.
+ Thực hiện tiếp các hoạt động xây dựng thương hiệu và thị trường để có được giá bán tốt hơn.
5. Khó khăn trong quá trình triển khai áp dụng
- Doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí để xây nhà kho, nhà vệ sinh cùng nhiều hạng mục khác mà trước đó họ chưa có xây dựng. Nhưng phải hiểu rằng nhà sản xuất chỉ làm 1 lần mà dùng được cho nhiều năm sau đó.
- Chi phí chứng nhận GlobalGAP lần đầu và phí duy trì chứng nhận hàng năm khá cao. Trước đây việc chứng nhận và cấp chứng chỉ GlobalGAP do các đơn vị nước ngoài thực hiện, hiện nay một số tổ chức chứng nhận của Việt Nam đã thực hiện được việc này như: SGS Vietnam, Công ty TNHH TUV SUD PSB Việt Nam, Quacert, CafeControl,…
- Tuy nhiên khó khăn nhất là vấn đề đào tạo con người. Người nông dân từ trước đến giờ quen làm việc theo kinh nghiệm. Hiện nay, khi sản xuất theo GlobalGAP, đòi hỏi họ phải có kiến thức, làm theo kỹ thuật mới, đặc biệt phải tuân thủ việc ghi nhật ký đồng ruộng. Những kỹ thuật này, mặc dù khá phức tạp, nhưng phải được thực hiện và thành thói quen, áp dụng trong suốt quá trình sản xuất.