Quy trình & sâu bệnh

Chanh dây

Đặc điểm :
Cây chanh dây phát triển mạnh, tốc độ phân nhánh (cành) nhanh, cây không kén đất, nhưng tốt nhất nên chọn loại đất thoát nước tốt, không ngập úng. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, pH 5,5-6. Đất tại vùng bằng phẳng, thời tiết ấm áp, độ ẩm hợp lý cây chanh leo phát triển rất tốt.

Nhiệt độ thích hợp cho cây phát triển từ 16-30oC, cây chanh dây phát triển tốt ở những khu vực có nắng, đặc biệt là cây chanh dây không chịu được sương muối.

Chanh dây (chanh leo) là loại cây cần độ ẩm cao, liên tục phải cung cấp đủ nước cho cây


Ưu điểm:

- Trong quả chanh dây có chứa nhiều phospho. 1 quả to hay 2 quả chanh dây nhỏ có thể cung cấp khoảng 10% nhu cầu phospho hàng ngày cho cơ thể, rất cần cho răng và xương.

- Chanh dây có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể. Bạn sẽ có khoảng 84 calo cho 100g quả hoặc 1 quả chanh dây 60g sẽ cho khoảng 70 calo.

- Sắt cũng là chất có nhiều trong quả chanh dây. 100g quả có thể cung cấp khoảng 10% nhu cầu sắt hàng ngày cho cơ thể. Điều này giúp cơ thể chống mệt mỏi và thiếu máu.

- Trong mỗi quả chứa khoảng 348mg kali cho mỗi 100g quả. Kali giúp cân bằng nồng độ natri trong cơ thể và nếu dùng vừa phải giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp.

- Chanh dây có nhiều chất xơ giúp tăng nhu động ruột. Có hơn 10g chất xơ cho 100g quả, đây là một trong những quả có nhiều chất xơ nhất chỉ sau hạnh nhân và dừa.

- Trong quả chanh dây có chứa nhiều vitamine C. Chỉ cần 2 quả có thể cung cấp 30-35% nhu cầu hàng ngày cho cơ thể, ngoài ra là nguồn cung cấp vitamin A và flavonoïdes.



Quy trình canh tác

Yêu cầu khí hậu đất đai trồng chanh leo

Chanh dây  là một giống cây dạng dây leo phù hợp với khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới. Cây sinh trưởng mạnh ở môi trường nhiều ánh sáng, lượng mưa trung bình trong năm là 1.500mm. Nhiệt độ sinh trưởng thích hợp giao động từ 16-30 độ C. Khí hậu ít gió, không bị sương muối.

Đất trồng chanh dây phải thoát nước tốt, pH đất từ 5.5 – 6.0, tầng canh tác tối thiểu 50cm. Độ cao so với mặt nước biển là 500 – 1.000m. (Riêng giống chanh dây tím thích hợp với độ cao từ 600 – 800m).


Lựa chọn giống

Hiện có 2 loại được trồng chủ yếu là:

-Giống chanh dây vàng: Cây sinh trưởng mạnh, ít sâu bệnh, năng suất trung bình, trái chín màu vàng, vị chua, ít thơm, kích thước quả từ vừa đến nhỏ.

- Giống chanh dây tím: Có nguồn gốc chủ yếu từ Đài Loan, năng suất cao, trái chín màu đỏ/tím. Vỏ mỏng, cơm dày, vị ngọt, mùi thơm. Kích thước trái từ vừa đến lớn. Loại này được thị trường ưa chuộng hơn.

Từ những đặc điểm trên, cây chanh dây vàng thường ít được canh tác, chủ yếu sử dụng làm gốc ghép để ghép chồi giống chanh dây tím.

Cây giống có thể được ươm từ hạt hoặc nhân giống bằng các ghép nêm chồi. Giống năng suất nhất và đầu ra được thương lái thu mua nhiều là giống chanh Đài Loan, được nhập khẩu trực tiếp hoặc giống Đài Nông F1.


Chuẩn bị đất trồng

- Đất trồng chanh dây không yêu cầu quá cao, miễn là đất xốp, thoát nước tốt: Đất ở khu vực Tây Nguyên và các vùng lân cận được cho là phù hợp nhất.

- Trước khi trồng cần dọn sạch cỏ dại, ban đất bằng phẳng để tiện chăm sóc, với đất dốc cần tiến hành đánh các rãnh thoát nước chống xói mòn, rửa trôi

- Đất trước đó trồng tiêu hoặc trồng cà phê, cần tiến hành xới đất, canh tác 2-3 vụ màu trước khi trồng chanh dây để giảm lượng tuyến trùng trong đất

- Hố trồng chanh dây có kích thước 50x50x50cm, trộn đều đất mặt với 20kg phân chuồng hoai mục + 0,3-0,5kg supe lân + 1 thìa canh chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma + Vôi bột (nếu cần điều chỉnh độ pH của đất cho phù hợp). Hỗn hợp sau khi trộn đều lấp đầy vào hố, ủ 1 tháng trước khi trồng


Mật độ trồng

Tùy theo địa hình, khả năng thâm canh, đất tốt hay xấu, kiểu giàn trồng chanh dây… mà trồng theo mật độ thích hợp. Thường ở Tây Nguyên với kiểu giàn truyền thống bà con hay trồng với mật độ 3x3m.

- 400 cây/ha: khoảng cách 5 x 5m (xen canh với tiêu hoặc cà phê con)

- 500 cây/ha: khoảng cách 5 x 4m (xen canh với tiêu hoặc cà phê con)

- 625 cây/ha: khoảng cách 4 × 4m (xen canh với tiêu hoặc cà phê con)

- 1000 cây/ha: khoảng cách 3 x 3m (Giàn truyền thống)

- 1800 cây/ha: Khoảng cách 3 x 2m (Giàn thẳng đứng)


Bắt đầu trồng cây

Thời điểm trồng chanh dây có thể tiến hành quanh năm, tuy nhiên thích hợp nhất là khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch. Thời điểm này là đầu mùa mưa. Cây sinh trưởng tốt hơn, giảm công tưới tiêu.

Khi trồng dùng dao/kéo cắt bầu nilong hoặc chậu nhựa. Thao tác nhẹ nhàng tránh làm bể bầu. Bới 1 lỗ chính giữa hố, đặt cây vào sao cho mặt bầu bằng mặt đất hoặc cao hơn một chút. Lấp đất và nén nhẹ xung quanh gốc.

Sau khi trồng cần tưới nước ngay để cây không bị héo đồng thời đất được lèn kỹ không bị hở rễ. Nếu trồng những ngày nắng cần tiến hành che nắng cho cây bằng lưới nilon đen, tàu lá dừa, cành cây… ít nhất 2 tuần để cây kịp hồi phục.

Có thể đánh bồn rộng 1m, thành bồn cao 20-40cm để tiện tưới tiêu trong mùa khô. Khi đánh bồn cần vun gốc để nước không đọng ở gốc. Hạn chế được các loại nấm bệnh.


Chăm sóc cây chanh leo

Tưới nước: Cây chanh dây cần nhiều nước nhưng không chịu được ngập úng, cần thường xuyên kiểm tra độ ẩm và tưới nước kịp thời, đặc biệt là giai đoạn cây nảy chồi sau thu hoạch, giai đoạn cây đậu quả đến lúc thu hoạch quả. Trong mùa khô có thể sử dụng các vật liệu có sẵn ở địa phương như trấu, rơm, xác bèo… để phủ gốc.

Làm cỏ: Làm cỏ thường xuyên ít nhất 4-5 lần 1 năm, thường xuyên giữ vườn tược thông thoáng, hạn chế được các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại. Tăng hiệu quả phân bón. Phần bồn và sát gốc, nên làm cỏ bằng tay, hạn chế làm tổn thương bộ rễ


cắt tỉa cảnh tạo tán

Khi cây cao được 0,8 – 1m ta tiến hành bấm ngọn để cây sinh cành thứ cấp. Giữ lại 3-5 cành khỏe mạnh, tỏa đều các hướng trên giàn.

Khi cây bắt đầu phủ giàn, cần thường xuyên cắt tỉa các cành yếu, cành có dấu hiệu sâu bệnh. Trong mùa mưa cần vặt bỏ các lá già, lá sát gốc, vừa tăng khả năng quang hợp, gây ức chế giúp cây ra nhiều hoa hơn, hạn chế được sâu bệnh ẩn nấp.

Sau khi thu hoạch, để tăng năng suất cho vụ sau, cần cắt bỏ các cành đã mang trái. Để lại thân và các cành từ mặt đất tới giàn. Sau một thời gian cây sẽ ra chồi mới. Năng suất sẽ được đảm bảo


Bón phân

Tháng thứ 6 trở đi cây bắt đầu ra hoa đậu quả. Dùng phân NPK có tỷ lệ K cao để tăng chất lượng quả, tăng tỷ lệ đậu trái. Mỗi gốc bón 0,3 – 0,5kg. Tháng bón 2 lần

Bón phân hữu cơ: đầu hoặc cuối mùa mưa, tiến hành đánh rãnh đối xứng quanh gốc, bón 5-10kg phân chuồng hoai mục + 0,3 – 0,5kg supe lân. Trộn đều với lớp đất mặt rồi lấp xuống rãnh. Rãnh sâu 25-30cm cách gốc 0,5 – 1m. Nếu thời điểm bón phân đang thuộc giai đoạn thu hoạch có thể dời sang thời gian khác, miễn sao đảm bảo 1 năm bón phân hữu cơ 1 lần

Phun phân vi lượng qua lá: Cần thường xuyên kiểm tra trạng thái lá, nếu lá hiện màu vàng nhạt, nổi rõ gân xanh, thì cây đang thiếu vi lượng. Tiến hành phun phân qua lá. Mỗi năm 1-2 lần. Khi phun cần phun vào ngày mát trời, phun ướt đều mặt lá để tăng hiệu quả thẩm thấu. Có thể kết hợp pha chung với thuốc bảo vệ thực vật (xem kỹ hướng dẫn sử dụng in trên bao bì)


thu hoạch và bảo quản

- Tùy vào tốc độ sinh trưởng của cây, sau 3 - 6 tháng cây bắt đầu ra hoa đậu quả. Từ lúc đậu quả đến khi thu hoạch là khoảng 3 tháng.

- Bắt đầu thu hoạch khi quả bắt đầu chuyển sang màu hồng, tím nhạt (Với giống chanh dây tím). Nên thu hoạch đồng loạt khi tỷ lệ trái chín trên 70%. Giúp năng suất vụ sau ổn định hơn.

- Khi thu hoạch cần tiến hành các biện pháp đảm bảo quả không bị trầy xước, bầm dập giảm giá trị thương phẩm. Nếu có điều kiện nên phân loại riêng quả loại 1 và quả loại 2.

- Sau khi thu hoạch cần tiến hành vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ, hạn chế tích trữ số lượng lớn, dễ phát sinh các loại nấm bệnh lây lan từ các quả bị bệnh sau các quả lành lặn


Bệnh cứng trái (hóa bần vỏ trái)

Mô tả:

Có sự biến động rất lớn về triệu chứng do PWV gây ra trên cây chanh dây và tùy thuộc vào mùa vụ cũng có sự khác nhau trong cách thể hiện triệu chứng Có 13 loại triệu chứng do PWV gây ra trên chanh dây bao gồm: trái bất bình thường, lốm đốm điển hình trên lá, lốm đốm vàng, chùn đọt, từng mảng trong suốt, đốm vòng trên lá, đốm vòng trên trái, chấm nhỏ trên trái, dạng lá dương sĩ, vàng chóp lá, lốm đốm trên cuống, phình to dây. Trong đó, 11 triệu chứng đầu dễ thấy ở điều kiện ngoài đồng, trong khi đó 2 triệu chứng cuối thường thấy ở điều kiện nhà lưới

...
Xem thêm

Bệnh đốm dầu

Mô tả:

Bệnh gây hại trên lá, thân và quả dẫn đến sự mất mùa thậm chí có thể gây chết cây. Trên lá bệnh tạo nên những vết thương từ mầu ôliu tới màu nâu, thường bao quanh bởi quầng sáng màu vàng nhạt, bệnh nặng dẫn đến rụng lá, trên thân còn non, dấu hiệu đầu tiên của sự xâm nhiễm là những vết lõm màu xanh đen, mọng nước. Sau sẽ phát triển thành màu nâu sáng, có viền rõ ràng với phần không bị bệnh.

...
Xem thêm

Bệnh thối hạch

Mô tả:

Trên thân, vết bệnh lan rộng làm bong lớp vỏ, làm gãy đổ chồi non. Các hạch nấm màu đen, cứng hình thành là nguyên nhân làm cho bệnh lây lan từ vụ này qua vụ khác và thường ảnh hưởng đến chồi ngọn. Loài nấm này cũng có thể gây hại trên trái, vết bệnh lan nhanh và có màu nâu nhạt bao phủ toàn bộ trái, cuối cùng trên trái sẽ hình thành các hạch nấm màu đen có nhìn thấy bằng mắt thường, lúc này trái sẽ bị rụng.

Bệnh này phát triển thuận lợi trong điều kiện ẩm ướt kéo dài và nhiệt độ từ 15 -200C.

...
Xem thêm

Bệnh thối rễ

Mô tả:

Gây ra bởi Phytophthora cinnamomi thường hoạt động vào mùa hè và mùa thu và Phytophthora megasperma thường hoạt động mùa xuân. Cả 2 loại nấm này đều tấn công trên cây trưởng thành ngoài vườn lẫn trong vườn ươm gây chết cây, nhưng tác hại chính của chúng là nguyên nhân mở đường cho sự tấn công của nấm Fusarium và chết cây do thối ngọn. Phytophthora cinnamomi là một loại nấm rễ gây bệnh tắc mạch dẫn và gây chết đối với nhiều loài thực vật. Bệnh phát triển mạnh trong môi trường ẩm và ký sinh trên rễ và mô thân gần gốc. Bệnh làm suy yếu hoặc giết chết cây vì gây cản trở việc vận chuyển nước và dinh dưỡng trong cây. Trên cây trưởng thành xuất hiện các triệu chứng cháy lá. Lá chuyển sang màu xanh nhạt rồi chuyển sang màu đồng. Trên trái xuất hiện các vết bệnh lớn, màu xám. Hoa và trái xanh của cây bệnh rất dễ bị rụng.

...
Xem thêm